Bay nhầm từ Mỹ đến Úc, một con chim bồ câu bị kết án tử hình

Các quan chức ở Úc đang lo lắng rằng một con chim bồ câu đua, vừa hoàn thành chuyến đi hơn 8.000 dặm từ Hoa Kỳ, mang những căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng. Việc vô tình vi phạm luật kiểm dịch của Úc giờ đây có thể khiến con chim phải trả giá bằng mạng sống.

Một cư dân ở Melbourne, Úc đã nhìn thấy một con chim bồ câu, gầy yếu và kiệt sức, trong sân sau của mình vào ngày 26/12/2020. Con chim này mất tích vào ngày 29/10 trong một cuộc đua được tổ chức ở bang Oregon, Mỹ. Rõ ràng, chú chim bồ câu đua - bằng cách nào đó đã thực hiện một hành trình thần kỳ dài 8.100 dặm (khoảng 13.100 km) để đến Úc - đã đi chệch hướng.

Sau khi uống một ít nước và tắm trong đài phun nước ở sân sau, chú chim bồ câu này đã quyết định bám trụ lại nơi đây. Người nhìn thấy nó, Kevin Celli-Bird, đã đặt tên con chim là "Joe" để vinh danh tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Joe Biden, cũng như chụp hình nó sau khi nhận thấy có một dải màu xanh trên chân của nó.

xe1etigvmimvmo8zgoaq-16106985006601497126562.jpg


“Joe” - chú chim bồ câu đua ở Melbourne.


Biết rằng đây là một chú chim bồ câu đua, Celli-Bird đã liên hệ với một câu lạc bộ chim bồ câu địa phương, nhưng họ cho biết nó không có trong hồ sơ.

"Tôi đã lên Google và thấy nó biển thị cho một liên đoàn chim bồ câu đua của Mỹ, và con chim đã được đăng ký cho một người nào đó ở Montgomery, Alabama", anh chia sẻ.

Người đàn ông này đã không thể liên lạc với chủ sở hữu.

Dịch vụ Kiểm dịch và Kiểm tra Úc (AQIS) đã biết về tình hình và rất không hài lòng về chuyện này. Các quan chức của cơ quan này đã yêu cầu Celli-Bird bắt con chim bồ câu vì sợ rằng nó đang mang những căn bệnh không có ở Úc. Co chim Joe sẽ "không được phép ở lại Úc", theo một tuyên bố của các nhà chức trách, bởi vì con chim "có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Úc và quần thể chim hoang dã của chúng ta". Tuyên bố của AQIS cũng nhận định nó mang lại "rủi ro an toàn sinh học trực tiếp đối với đời sống các loài chim ở Úc và ngành chăn nuôi gia cầm".

AQIS đã liên lạc với Celli-Bird và yêu cầu anh bắt Joe, nhưng con chim bồ câu hiện đã khỏe mạnh hơn và không dễ bị khuất phục.

"Họ nói nếu đó là từ Mỹ, thì họ lo ngại về dịch bệnh ở chim", anh cho biết. "Họ muốn biết liệu tôi có thể giúp họ không. Tôi nói rằng mình không thể bắt được nó. Tôi có thể đi tới gần nhưng sau đó nó sẽ di chuyển".

Cuối cùng, cơ quan này cho biết sẽ thuê một chuyên gia để bắt con chim bồ câu trên và sau đó tiêu diệt nó, có lẽ là theo một cách nhân đạo. Rõ ràng, AQIS không đùa. Vào năm 2015, bộ phận này đe dọa sẽ giết một cặp chó sục Yorkshire nhập lậu vào nước này. Trên thực tế, nó là vật nuôi của nam diễn viên Johnny Depp và vợ anh, Amber Heard, nhưng đã không khai báo chúng với các quan chức hải quan khi họ bay đến đây bằng máy bay riêng. Rất may, những con chó này sau đó đã được gửi trả lại Mỹ kịp thời.

rgwdtijpqjrpstcabcbl-161069854374857586340.jpg


Không ai biết con chim này đã vượt qua chuyến hành trình dài hàng nghìn km như thế nào. Chim bồ câu không được biết đến là loài hay thực hiện những chuyến đi dài qua đại dương, giống như các loài chim di cư khác. Bởi các loài chim dư cư đã tiến hóa để có khả năng thích nghi đặc biệt nhằm thực hiện những chuyến đi như vậy, chẳng hạn như khả năng trao đổi chất thấp và khả năng ngủ trong khi bay. Mặt khác, chim bồ câu đua không có những khả năng tương tự. Chúng gần như không thể thực hiện các chuyến bày kéo dài trong môi trường khắc nghiệt, từ hơn 500km trở lên.

Trong trường hợp của Joe, con chim này không được theo dõi bằng thẻ vệ tinh, vì vậy chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết nó đã thực hiện hành trình xuyên Thái Bình Dương như thế nào. Nhưng theo như Brad Turner, thư ký của Hiệp hội Bồ câu Quốc gia Úc, thì một số chim bồ câu đua từ Trung Quốc thường thực hiện chuyến đi đến Úc bằng cách đi nhờ các con tàu chở hàng. Một điều gì đó rất tương tự có thể đã xảy ra ở đây.

Tham khảo Gizmodo

Theo Genk
 

Top Bottom