Cựu CEO HP: từ nữ CEO quyền lực thành ứng cử viên Tổng thống Mỹ

PCO

FirstSergeant
Tham gia
16/03/2015
Bài viết
1,269
Được Like
235
Carly Fiorina, ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa từng là một nữ CEO đầy quyền lực của công ty máy tính HP. Với cá tính mạnh mẽ của mình, bà Fiorina xứng đáng với tên gọi "người đàn bà thép" của nền kinh tế Mỹ.

e.png


Carly Fiorina sinh ngày 6/9/1954 tại Austin, Texas, Mỹ, là con của một họa sỹ vẽ tranh chân dung và trừu tượng với một giáo sư, trưởng khoa kiêm thẩm phán liên bang.

Có lẽ vì truyền thống gia đình nên Fiorina đã học chuyên ngành luật của trường Đại học UCLA năm 1976 tuy nhiên bà đã bỏ ngang chỉ sau một học kỳ vì cảm thấy mình không phù hợp. Sau khi bỏ học, bà làm nghề lễ tân trong vòng 6 tháng tại công ty bất động sản Marcus & Millichap và sau đó trở thành một nhà môi giới. Sau khi không còn cảm thấy phù hợp với nghề môi giới, Fiorina lại bỏ nghề và đến Ý để dạy tiếng Anh.

Năm 1980 bà lấy hai tấm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh tiếp thị và Thạc sĩ khoa học Quản lý tại Đại học Maryland và MIT. Trong suốt thời gian còn là sinh viên, công việc chính của bà là làm nhân viên đánh máy và sắp xếp hồ sơ tại công ty HP. Ít ai ngờ rằng sau này cô nhân viên đánh máy ấy lại quay trở về làm CEO của họ.

Sự nghiệp

e1.png

Sự nghiệp của Carly Fiorina được chính thức bắt đầu tại tập đoàn viễn thông AT&T. Carly Fiorina đã dành 20 năm đầu sự nghiệp để cống hiến cho tập đoàn này. Bà đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau tại AT&T và là người có công đưa công ty Lucent Technologie, một công ty con của AT&T niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 1996.

Năm 1996, Fiorina được bổ nhiệm làm chủ tịch mảng sản phẩm tiêu dùng của công ty Lucent và dưới quyền Rich McGinn, chủ tịch kiêm giám đốc hoạt động của công ty này. Tới năm 1997, bà được bổ nhiệm giữ vị trí chủ tịch mảng truyền thông khách hàng liên doanh với mảng truyền thông khách hàng của công ty Philips. Cuối năm đó, bà lại được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch mảng cung cấp dịch vụ toàn cầu tại Lucent, chuyên về marketing và giao dịch với các khách hàng lớn nhất của công ty ở nước ngoài. Thời gian làm việc ở AT&T và Lucent, Fiorina luôn được coi là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu trong danh sách Fortune 20.

Năm 1999, Carly Fiorina đã chấp nhận đề nghị hấp dẫn làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Hewlett-Parkard (HP), một tập đoàn máy tính danh giá và khổng lồ hơn hẳn so với tập đoàn Lucent Technologie. Điều này cũng làm thay đổi cả truyền thống của một công ty gia đình như HP. Trước kia, công ty này chưa bao giờ thuê người ngoài làm giám đốc điều hành.

Người phụ nữ cá tính mạnh làm đảo lộn tập đoàn HP

e2.png


Ngay từ lúc còn làm giám đốc điều hành tại công ty Lucent Technologie, Carly Fiorina đã được biết đến là người có ý chí sắt đá cùng với quyết tâm và tham vọng mãnh liệt. Bà là doanh nhân tiêu biểu cho trường phái quản lí cứng rắn. Nhiều người đã gọi Carly Fiorina là “người đàn bà thép” của nền công nghiệp nước Mỹ. Bà có gia đình nhưng không có con. Với bà, công việc là trên hết.

Carly Fiorina được nhận xét là một nữ quản lí đặc biệt mạnh mẽ và có khả năng chịu được sức ép công việc rất cao. Tự đòi hỏi về mình ra sao thì bà cũng có những yêu cầu rất khắt khe với nhân viên dưới quyền như thế. Ðể có được thành công, bà quan niệm rằng phải có sức ép lên cả tập đoàn. Và sức ép đó phải liên tục, thường xuyên, ngay cả khi hoạt động kinh doanh đang trôi chảy nhất.

Khi lĩnh vực tin học và công nghệ viễn thông bị khủng hoảng thì HP là một trong số ít tập đoàn không bị rơi vào vòng xoáy đó. Ðội ngũ quản lí cao cấp và nhân viên của HP đều lạc quan và bình thản về những gì họ đã và đang làm. Mọi thay đổi dường như là không cần thiết. Thế nhưng Carly Fiorina lại không nghĩ vậy. Bà coi sự khủng hoảng của lĩnh vực kinh tế mới lại là một cơ hội tốt để có thể thực hiện những cải cách mạnh mẽ với HP, cho dù tập đoàn ít bị ảnh hưởng.

Xứng danh với biệt hiệu “người đàn bà thép”, Carly Fiorina đã tìm cách gây sức ép tối đa để gia tăng hiệu suất làm việc mà không hề tăng thêm lương cho nhân viên. Carly Fiorina là nhà quản lí dường như không bao giờ muốn thoả hiệp. Không ít người đã cho bà là cứng rắn quá mức, thậm chí hơi cực đoan. Thậm chí còn có những ý kiến cho rằng Carly Fiorina đang làm đảo lộn cả một tập đoàn tin học có truyền thống từ hơn 60 năm nay. Nhiều thói quen, giá trị được coi như là truyền thống của tập đoàn đã bị bà thẳng tay gạt bỏ khi cho rằng không còn phù hợp với tình hình mới nữa. Trước kia, trong một thời gian rất dài, các giá trị như trung thành, gắn bó với tập đoàn được đánh giá cao. Nhưng dưới thời lãnh đạo của bà Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc mới Carly Fiorina thì hiệu quả và kết quả làm việc mới là trên hết.

Carly Fiorina đã rất nhiều lần thẳng thắn bộc lộ quan điểm của mình, trước công luận cũng như trước nhân viên. Theo bà, ai không thích nghi được với thị trường sẽ lập tức bị đào thải, dù đó là một cá nhân hay cả tập đoàn HP. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi câu nói được Carly Fiorina ưa thích nhất là: “Không phải người mạnh nhất hay người thông minh nhất sẽ chiến thắng mà là người có khả năng biến đổi, thích ứng nhanh nhất với thị trường”.

Quyết định mua lại tập đoàn Compaq với trị giá 19 tỷ USD của Fiorina ban đầu được cho là một thành công nhưng sau một thời gian khi Compaq không đem lại nhiều lợi nhuận như mong đợi, thương vụ mua lại này bị coi là thất bại thảm hại. Ngoài ra, do những thay đổi về văn hóa của tập đoàn HP cũng như những yêu cầu tự nguyện cắt giảm tiền lương để tránh đình công, tình trạng nhân viên tỏ ra không hài lòng với công việc và mất niềm tin vào công ty lan tràn khắp tập đoàn.

Trong suốt thời gian Fiorina giữ vị trí CEO của HP, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi nhờ việc sáp nhập với công ty Compaq và các công ty khác, số lượng bằng sáng chế cũng tăng lên. Tuy nhiên, những con số khác về mặt hiệu quả hoạt động đều ở mức đáng báo động. Nợ tăng từ 4,25 tỷ USD lên 6,75 tỷ USD, cổ phiếu giảm 50 – 60%. Trong khi đó cổ phiếu của hai đối thủ là IBM và Dell chỉ giảm lần lượt là 27,5% và 3% trong khoảng thời gian đó.

Đầu năm 2005, hội đồng giám đốc của công ty HP đã họp và buộc Fiorina từ chức giám đốc điều hành. Ngay sau sự ra đi của bà, cổ phiểu của công ty đã tăng vọt, giúp giá trị của HP tăng thêm 3 tỷ USD mỗi ngày. Rất nhiều nhân viên đã tổ chức ăn mừng sự từ chức của bà. Theo Yahoo, HP đã phải mạnh tay trả cho Fiorina 20 triệu USD cho việc từ chức này.

Con đường chính trị


e3.png

Năm 2006, Fiorina làm việc cho chiến dịch tranh cử của thượng nghị sỹ John McCain. Năm 2008, trong nhiều tài liệu, bà đã được đề cập là một ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ Phó Tổng thống. Bà đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử của John McCain về các vấn đề liên quan đến kinh doanh và kinh tế.

Năm 2009 bà công khai tuyên bố sẽ chạy đua vào một ghế tại Thượng nghị viện Mỹ. 8/6/2010, Fiorina thắng cuộc bầu cử chính của Thượng viện đảng Cộng hòa với hơn 50 phần trăm phiếu bầu.

4/5/2015, trên chương trình Goodmorning America, Fiorina tuyên bố sẽ chạy đua vào vị trí Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ năm 2016 với lập luận chính trị là chỉ trích đối thủ Hillary Clinton đến từ Đảng Dân chủ. Bà Fiorina cho rằng ứng cử viên Clinton đại diện cho một tầng lớp chính trị mà người Mỹ đã “chán ngấy”. Theo hãng tin Reuters, dù từng là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất ở Mỹ, nhưng bà Fiorina hiện đang đứng cuối bảng trong các cuộc thăm dò dư luận về khả năng trở thành đại diện của Đảng Cộng hòa trong số khoảng hơn 10 ứng cử viên của đảng này tính tới thời điểm hiện tại. Bà Fiorina cũng chưa từng đảm trách một chức vụ chính trị nào.

Tham gia chạy đua vào Nhà Trắng, Fiorina quảng bá hình ảnh bản thân là một người “ngoại đạo” trong chính trị nhưng có kinh nghiệm thực tế, thu thập được sau nhiều năm làm việc trong thế giới doanh nghiệp.



Nguồn: Itcnews
 

Top Bottom