Mới đây, trang XDA-Developers và Geekbench đều đã nhấn mạnh rằng họ đang có bằng chứng về việc 3 smartphone Trung Quốc đang cố tình gian lận điểm số hiệu năng.
Cụ thể, theo một báo cáo mới đây, OnePlus 3, OnePlus 3T và Meizu Pro 6 đã bị phát hiện sử dụng những thủ thuật để "ăn gian" trong quá trình chấm điểm hiệu năng. Meizu và OnePlus đã làm theo những cách khác nhau để can thiệp, tăng điểm hiệu năng.
OnePlus được cho là đã tìm cách can thiệp sâu vào phần cứng để khi phát hiện những công cụ Benchmark đang chạy, CPU máy sẽ tự động chuyển sang chế độ tăng tốc, dẫn đến điểm hiệu năng sẽ thể hiện tốt hơn so với bình thường.
Một danh sách các công cụ Benchmark đã được phát hiện lưu sẵn trong firmware của 2 thiết bị của OnePlus, khi phát hiện một trong các công cụ này đang chạy, máy tự động tối ưu và đẩy hiệu năng lên cao.
Các chuyên gia đã thử nghiệm tạo một phiên bản Geekbench 4 giống y hệt và đổi tên thành "Bob’s Mini Golf Putt", những thiết bị này đã không nhận dạng được phần mềm Benchmark và đã cho ra điểm số hiệu năng hoàn toàn khác.
Ngoài ra, OnePlus 3 và OnePlus 3T khi chạy công cụ Benchmark, kể cả khi không thực hiện tác vụ nào, lõi xử lý chính vẫn đẩy tốc độ xung nhịp lên 1,29 GHz, lõi xử lý phụ là 0,98 GHz. Nhưng với các ứng dụng thông thường, CPU chỉ ở mức 0,31 GHz với cả lõi xử lý chính lẫn phụ.
Với Meizu, hãng này có cách làm khác đi đôi chút, lõi lớn của CPU sẽ được lựa chọn để kích hoạt ngay lập tức khi thiết bị phát hiện ra phần mềm Benchmark.
Tính năng này chỉ thường được sử dụng khi thiết bị phải chạy ứng dụng nặng, nhưng Meizu đã tận dụng nó cho công cụ đo hiệu năng trên Meizu Pro 6.
Tuy nhiên, dù gian lận kết quả chênh lệch của những thiết bị này cũng không phải là quá cao, chỉ hơn khoảng vài phần trăm.
Sau phát hiện trên, đại diện phía OnePlus đã lên tiếng thừa nhận. Người này phát biểu, hãng muốn tạo cho người dùng "trải nghiệm tốt hơn" nhưng hứa sẽ tung ra bản cập nhật để cải thiện vấn đề này. Còn phía Meizu vẫn chưa đưa ra bình luận nào.
Đây cũng không phải là sự việc chưa có tiền lệ. Trước đó, flagship Galaxy S4 của Samsung cũng bị Anandtech phát hiện gian lận Benchmark vào năm 2013.
Sau đó, hàng loạt hãng khác như Asus, HTC, LG… cũng bị phát hiện đã can thiệp vào các thiết bị của mình để đẩy điểm hiệu năng lên cao hơn so với thực tế. Tuy vậy, chỉ có một số hãng thừa nhận, số còn lại hoặc phủ nhận, hoặc không đưa ra ý kiến gì.
Ngoài ra, trang Androidauthority cũng cho rằng vẫn còn rất nhiều hãng muốn chứng tỏ rằng sản phẩm của mình mạnh mẽ hơn so với các đối thủ nên đã tìm cách "lách luật” và tối ưu các thông số. Do đó, rất có thể danh sách smartphone ăn gian điểm Benchmark không chỉ dừng lại ở 3 thiết bị trên.
Nguồn: TGDD