Biểu tượng nước Mỹ - tòa Empire State đang vận hành hoàn toàn nhờ điện gió

Hôm thứ tư vừa qua, công ty sở hữu toà nhà Empire State vừa công bố đã ký kết một thoả thuận nhằm chuyển sang sử dụng điện gió để vận hành không chỉ toà nhà này mà cả những toà nhà khác do họ quản lý.

Theo đó, toà cao ốc ở trung tâm Midtown, cùng 13 toà nhà khác dưới quyền sở hữu của Empire State Realty Trust, sẽ chỉ sử dụng điện gió thông qua một thoả thuận mua bán điện kéo dài 3 năm - việc này biến ESRT trở thành người dùng điện có khả năng tái tạo thuộc nhóm bất động sản thương mại lớn nhất tại Mỹ. Được biết, bản thân toà nhà Empire State đã vận hành bằng năng lượng tái tạo từ một thập kỷ trở lại đây.

Theo công ty, chuyển sang sử dụng điện gió sẽ giúp giảm 204 triệu kilogram carbon dioxide, tương đương lượng khí thải từ toàn bộ số taxi tại New York trong một năm. Quyết định này được đưa ra sau khi ban quản lý toà nhà công bố thay thế toàn bộ hệ thống đèn cửa sổ và đỉnh chóp bằng đèn LED, qua đó giảm lượng khí thải carbon đến 40%, vào năm ngoái.

"Chúng tôi tiếp tục thực hiện cam kết giảm tác động lên môi trường" - Dana Robbins Schneider, Phó Chủ tịch và Giám đốc về năng lượng và bền vững tại ESRT, cho biết. "Khách hàng của chúng tôi nay sẽ làm việc trong những văn phòng không khí thải carbon, và cộng đồng đầu tư có thể đi theo con đường chúng tôi đã tiên phong"

Mua điện sạch không có nghĩa là lấy điện trực tiếp từ một vài turbine gió nào đó nằm bên ngoài thành phố. Trên thực tế, các bản hợp đồng ký kết với Green Mountain Energy và Direct Energy có các điều khoản yêu cầu hai nhà cung cấp dịch vụ này đảm bảo lượng điện tương đương mức toà nhà Empire State và các toà nhà khác trong thoả thuận đang sử dụng sẽ được sản xuất từ gió ở một nơi nào đó của Mỹ. Dẫu vậy, đây vẫn là một công bố có ý nghĩa rất lơn.

"Lèo lái cộng đồng bất động sản đi đến một tương lai không khí thải đòi hỏi những người nắm giữ các toà nhà nổi tiếng, như Empire State Building, phải đi những bước đầu tiên và truyền cảm hứng cho người khác" - Cara Carmichael, Giám đốc Chương trình Cao ốc không khí thải của Viện Rocky Mountain, nói. "Toà nhà Empire State luôn là một biểu tượng tại New York, và là người đi đầu trong lĩnh vực công nghệ bất động sản. Nay, họ đang thể hiện vai trò người lãnh đạo trong lĩnh vực năng lượng"

47270789-7061-4179-82ef-a9216337d103-16124667336691455767540.jpeg


Giảm khí thải carbon trong các toà nhà là một trong những nhiệm vụ khó khăn của thập kỷ tiếp theo, đặc biệt là những toà nhà lâu đời như Empire State. Các thành phố trên thế giới đang dần đưa ra những biện pháp nhằm cấm sử dụng hệ thống khí gas trong các công trình mới xây dựng, từ đó giảm lượng khí thải. Lắp đặt các loại trang thiết bị, cửa sổ, cửa lớn, và đèn hiệu quả cao hơn là một giải pháp khác nhằm giảm lượng khí thải, và có thể thực hiện dễ dàng trong các toà nhà mới hơn. Nhưng số lượng các toà nhà cũ, đã được xây dựng từ trước, cần triển khai giải pháp này, là rất lớn. Ước tính có 5,6 triệu toà nhà thương mại và hàng chục triệu toà nhà dân cư cần nhanh chóng "thay máu" để giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của khủng hoảng môi trường. Trên toàn cầu, lượng khí thải carbon từ các toà nhà đã tăng cao trong năm 2019 và chiếm đến 38% tổng lượng khí thải.

Việc toà nhà Empire State chuyển sang điện gió đã tạo nên một hình mẫu tích cực, đồng thời là một bước tiến (nhỏ) trong thực hiện những chính sách giảm ô nhiễm môi trường còn nhiều thiếu sót. Nhưng những chính sách đó đã và đang mở ra nhiều con đường để các toà nhà khác học hỏi theo. Ở cấp độ thành phố, New York đã đưa ra yêu cầu buộc các toà nhà phải cắt giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030. Các toà nhà tại đây có lượng khí thải carbon lớn hơn nhiều so với các toà nhà trên toàn cầu - hơn 70% khí thải carbon của thành phố New York đến từ các công trình kiến trúc - và những tiêu chuẩn về khí thải nghiêm ngặt hơn sẽ giúp giải quyết nguồn ô nhiễm lớn nhất này. Những chính sách này, cùng với việc chứng kiến toà nhà Empire State chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, sẽ là động lực để ngành công nghiệp bất động sản New York đi theo.

"Chuyển đổi sang các toà nhà không khí thải đòi hỏi sự kết hợp của các tổ chức trên thị trường và các chính sách của chính phủ" - Carmichael nói. "Các chính sách địa phương có thể gây ảnh hưởng ít nhiều, nhưng nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu giảm khí thải carbon vốn khó khăn thì sự can thiệp của chính phủ là cần thiết"

Được biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cũng đã ký một số sắc lệnh nhằm giảm thiểu lượng khí thải từ các toà nhà của liên bang. Bằng cách thực hiện các biện pháp giảm khí thải carbon trong các cơ sở hạ tầng liên bang và tận dụng tiềm lực tài chính của chính phủ liên bang, sắc lệnh có thể giúp hạ giá thành của các loại vật liệu xây dựng khí thải thấp hoặc không khí thải, từ đó phổ biến chúng đến cộng đồng. Sắc lệnh còn bao gồm việc thành lập Climate Conservation Corps với mục tiêu "tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng". Xây dựng các công trình thích ứng với thời tiết và lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên quy mô cộng đồng lẫn hộ gia đình chắc chắn là một giải pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu đó và giảm lượng khí thải.

Tham khảo: Gizmodo

Theo Genk
 

Top Bottom