CD Projekt Red hy sinh danh tiếng của bản thân và các bên cộng tác để cứu Cyberpunk 2077, thế rồi game vẫn tức tưởi ra đi

Trong thời buổi cách ly đại dịch, năm hết Tết đến, thời tiết giá buốt, người ta ngồi trong nhà nhiều hơn. Trong lúc rảnh rang, người ta tìm tới giải trí nhiều hơn. Và trong những tuần trở lại đây, cư dân mạng không thể ngừng bàn tán về Cyberpunk 2077 và những điểm cộng, điểm trừ nó mang lại. Từ những điểm hay và dở đó, cộng đồng game thủ tách thành hai nửa.

Một mặt, rất nhiều người đang chơi và tận hưởng mọi nội dung hay mà Cyberpunk 2077 mang lại. Mặt khác, cộng đồng lên tiếng chỉ trích nặng nề khi nhà phát triển và phát hành, CD Projekt Red, tung ra một phiên bản game quá nhiều lỗi, chưa được tối ưu; nhiều người cho rằng 8 năm chờ đợi của họ đã uổng phí.

photo-1-16082761531241352334182.jpg


Cyberpunk 2077 với đồ họa PS1 trên PS4.


Trong tuần vừa qua tính từ ngày Cyberpunk 2077 chính thức ra mắt, CD Projekt Red (CDPR) đăng đàn lời xin lỗi chính thức, hứa hẹn sẽ hoàn lại tiền cho những game thủ có nhu cầu, tuyên bố sẽ tiếp tục vá game để hoàn thiện trải nghiệm chơi game. Thế nhưng những hành động này không xóa nhòa được ý đồ của CDPR: họ sẵn sàng hy sinh danh tiếng của bản thân và các bên cộng tác nhằm tránh bị cộng đồng chỉ trích nhiều hơn do trì hoãn game quá nhiều lần. Các hãng đồng hành, những đầu báo lớn, nhiều reviewer có tiếng đã khen nức nở Cyberpunk 2077 trước ngày ra mắt đều ít nhiều bị ảnh hưởng từ sai lầm của CDPR.

Cách đây không lâu, CDPR tiếp tục xin lỗi vì đã không công bố game khi chạy trên những thiết bị console đời trước (là PS4 và Xbox One) mà chỉ đăng tải video gameplay phiên bản PC, dẫn đến việc game thủ không biết rõ chất lượng Cyberpunk 2077 cho tới ngày ra mắt chính thức. CDPR không nói rõ lý do đưa ra quyết định này, nhưng mục đích của họ thì rõ ràng quá rồi: họ muốn che giấu sự thật, Cyberpunk 2077 vận hành rất tệ trên cả PS4 và Xbox One. Những gì họ có thể làm và đã làm mới chỉ là lời xin lỗi yếu ớt.

CDPR khiến ta cảm thấy họ dùng reviewer để đánh lừa người chơi

Quá trình marketing Cyberpunk 2077 đã được kiến tạo một cách tỉ mỉ, nhằm có được những phản hồi tích cực nhất, đồng thời giảm thiểu cơ hội vạch trần những lỗi hiện hữu rõ mồn một. Dưới đây là nhận định của phóng viên Jeff Grubb tới từ Venture Beat, người đã có cơ hội chơi thử Cyberpunk 2077 từ những ngày đầu và tự nhận lỗi rằng đáng lẽ anh đã phải đặt nhiều câu hỏi hơn.


Camera của người chơi bị kẹt sau lưng nhân vật V, và chúng ta thấy V hiện hữu dưới góc nhìn thứ 3 ra sao.


Trước Lễ Phục sinh, bộ phận PR của CDPR thông báo với giới truyền thông rằng họ sẽ sớm gửi đi code chơi thử game. Các bên truyền thông có thể tự liên hệ để lấy code chơi thử trên tất các nền tảng là PS4, Xbox, Stadia và PC. Quá trình liên hệ cũng đơn giản như bao lần khác với bao nhà phát hành khác, và nhiều phần khiến đại đa số người biết chuyện tự tin rằng CDPR đang có trong tay phiên bản rất hoàn chỉnh của Cyberpunk 2077, đủ để họ đưa code cho bất kỳ reviewer tới từ nền tảng nào.

Nhưng vài ngày sau tuyên bố trên, ban PR của CDPR âm thầm nối liên lạc với một nhóm truyền thông nhỏ hơn với một giao kèo khác: bạn sẽ chỉ nhận được code nếu như dự định đánh giá phiên bản PC của game.

Với người trong ngành, chuyện này không lạ. Nhu cầu được cấp Cyberpunk 2077 lớn vô cùng, nên CDPR giữ kín chuyện phát code cũng bình thường thôi. Nhưng khi mọi chuyện ngã ngũ, game đã ra mắt, thì hành động này của CDPR không khỏi khiến người ta cảm thấy mình bị lừa.

Từ thời điểm nhận code tới lúc lên bài review, một game thủ sẽ có 6 ngày chuẩn bị. Không nhiều thời gian nhưng điều này cũng không mới, bên cạnh đó một reviewer có thể nói bất cứ vấn đề gì hiện hữu trong game, như bug hay đột ngột văng game khi đang chơi (crash).


Cyberpunk 2077 phiên bản nhạc kịch.​


Khi lật lại vấn đề, Jeff Grubb mới nhận thấy hành động của ban PR game giống chiến thuật đánh lạc hướng. Với một bài review dạng chữ, người viết có thể đính kèm video nhưng chỉ được dùng nội dung do CDPR cung cấp. Lại một lần nữa phải nhấn mạnh, điều này không lạ: Sony thường cấm người chơi quay lại những đoạn video cụ thể để sử dụng trong bài viết. Yêu cầu cấm của CDPR hết hiệu lực trước ngày game ra mắt, nhưng với Jeff Grubb - một reviewer sử dụng bài viết chứ không phải video làm công cụ đánh giá chính, anh không để ý tới điều này và giả định ai cũng chơi cùng một phiên bản game với mình.

Sau khi ngồi liệt kê các động thái của CDPR trong quá trình cho giới truyền thông đánh giá sản phẩm trước ngày ra mắt, anh nhận thấy những chi tiết “dắt mũi”:

- Trước ngày ra mắt, không hề có phiên bản Cyberpunk 2077 trên hai hệ máy PS4 và Xbox One hiện hữu trên internet.

- Chính CEO của CDPR là Adam Kiciński khẳng định với các nhà đầu tư rằng game chạy mượt mà một cách đáng ngạc nhiên trên hệ console.

- Chương trình PR cho thấy họ sẵn sàng cung cấp code cho người review trên mọi nền tảng nhưng rồi im lặng cho reviewer nền tảng PC có quyền chơi thử game.

- Những video liên quan tới bug, crash và những lỗi vặt khác chỉ được đăng lên hai ngày sau khi những đánh giá đầu tiên chính thức lên sóng.

- Xuyên suốt quá trình này, CDPR không hề nói với truyền thông và người chơi về hiện trạng game trên PS4 và Xbox One - một trải nghiệm cho đến giờ vẫn dở tệ.


"Nhảy ra" khỏi xe khi đang chạy với vận tốc cả trăm km/h.


Đa số người mua và đặt hàng trước Cyberpunk 2077 trên console không hề hay biết game chạy tệ ra sao, những người được chơi trước, biết những điều đó lại đinh ninh rằng vào ngày ra mắt chính thức, bản vá nặng tới hơn 40Gb sẽ giải quyết được những vấn đề tồn đọng. Tất cả đều hứng khởi với số điểm hơn 90 trên Metacritic mà đặt lòng tin vào CDPR.

Thế rồi, sự việc vỡ lở khiến ta cảm thấy CDPR đang đối đãi với Sony, Microsoft và với người dùng theo cùng một cách.

Bản thân Jeff Grubb cảm thấy bị lợi dụng; CDPR biến anh thành công cụ dắt mũi game thủ. Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, những hành động hoàn toàn có thể nảy sinh từ những áp lực của một studio phát triển game đã phát hành cổ phiếu: áp lực thị trường đã khiến họ phải cho ra mắt sớm món ăn ngon đáng lẽ phải chín kĩ hơn nữa. Hành động của CDPR cứ như một “thương nhân hai mặt” nào đó bộc bạch trong phim hành động Mỹ: “Chỉ là làm ăn thôi mà”.

Cảm thông không đồng nghĩa với bỏ qua sai lầm. Và chắc chắn Sony và Microsoft sẽ không ngồi yên vị nhìn CDPR thoát tội. Trong lời xin lỗi gửi cộng đồng, CDPR dù có nói với game thủ rằng họ sẽ hỗ trợ hoàn tiền mua game qua một email lập riêng cho mục đích này ([email protected]), nhưng vẫn đẩy phần nhiều trách nhiệm cho Sony và Microsoft. Thực tế, theo nội dung cuộc họp khẩn với các nhà đầu tư hồi đầu tuần, CDPR còn không thông bàn bạc với Sony và Microsoft về kế hoạch hoàn tiền. Vô hình trung, Sony và Microsoft bị đưa vào tầm ngắm.

Hiện tại, hai hãng game lớn chưa có phản hồi chính thức nào đề cập tới CDPR hay Cyberpunk. Sony đã có động thái đầu tiên: gỡ hoàn toàn Cyberpunk 2077 khỏi cửa hàng của mình và hoàn tiền cho người chơi.


Hướng dẫn cách chọn xe đẹp để cướp trong Cyberpunk 2077.​


Bài học rút ra

Trước thời điểm này, CD Projekt Red là một trong những nhà phát triển và phát hành game được yêu mến nhất cộng đồng. Họ là những con người sáng tạo, có tầm nhìn xa, nhào nặn công phu một tựa game/một trải nghiệm/một tác phẩm nghệ thuật hiện đại nhằm đem đến cho người chơi trải nghiệm tuyệt vời nhất. Đại đa số game thủ toàn cầu coi Witcher 3 là tuyệt phẩm thời đại.

Chẳng lạ khi kỳ vọng vào Cyberpunk 2077 lớn đến vậy. Rồi tất cả những video review, giới thiệu về hệ thống game, cốt truyện game đều khiến chúng ta đứng ngồi không yên. Keanu Reeves, diễn viên “mất tích” nhiều năm trên màn bạc nhưng rồi có màn quay trở lại bất ngờ và thành công với John Wick, bỗng trở thành một nhân vật trong game - đúng vào cái thời điểm cả danh tính anh Reeves và CD Projekt Red đang ở đỉnh cao, tạo nên một con sóng hào hứng không chướng ngại vật nào cản nổi.

photo-1-16082754888061812035233.jpg


Keanu Reeves bất ngờ xuất hiện trong sự kiện ra mắt Cyberpunk 2077.


Thế rồi khi con sóng ấy ập xuống, nó không mang theo cảm xúc vui sướng dạt dào như dòng nước, mà là cảm giác bực bội khi cộng đồng nhận ra CD Projekt Red không phải là “cứu tinh” của ngành game, không giữ đúng lời hứa, thẳng thừng hứa hão về những chức năng game sở hữu. “Lươn lẹo” Projekt Red.

Hai bài học cô đọng lại như thế này:

- Hãy là người tiêu dùng sáng suốt, quyết định xuống tiền theo tiếng gọi của cái ví, chứ đừng để cảm xúc che mờ suy nghĩ của bạn.

- Hoặc là bạn ra đi như vị anh hùng, hoặc sống đủ lâu để trở thành kẻ ác.

Theo Genk
 

Top Bottom