Đèn bàn thông minh tích hợp camera giám sát đang trở thành trào lưu giáo dục mới nhất ở Trung Quốc

"Đèn làm bài tập thông minh" là tên gọi của thiết bị chiếu sáng có khả năng hoạt động giống hệ thống Alexa của Amazon, đồng thời tích hợp 2 camera giám sát và có giá 120 USD. Nó đã tăng vọt mức độ phổ biến kể từ khi ByteDance, hãng sáng tạo ra ứng dụng video ngắn TikTok, lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường vào tháng 10 năm ngoái. Các bậc cha mẹ Trung Quốc đã mua ngay 10.000 chiếc trong tháng đầu tiên. Sự nổi tiếng của sản phẩm đã thúc đẩy ByteDance tăng cường tiếp thị và các đối thủ của nó cũng tung ra các phiên bản đèn thông minh của riêng mình. Và xu hướng này cũng đồng thời trở thành một bài kiểm tra mức độ chấp nhận của công chúng Trung Quốc, đối với các thiết bị gia dụng có hệ thống camera giám sát.

Về cơ bản, đèn được trang bị hai camera tích hợp, một camera quay mặt về phía trẻ và một camera khác cung cấp chế độ xem từ trên cao, cho phép cha mẹ giám sát con mình từ xa khi chúng học bài. Có một màn hình kích cỡ một chiếc điện thoại thông minh được gắn vào thân đèn, tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa ra hướng dẫn về các vấn đề toán học và các từ khó viết. Thậm chí, các bậc phụ huynh có thể thuê một người giám sát riêng theo kiểu gia sư để theo dõi từ xa con cái của mình khi chúng học tập.

Ngoài phiên bản cơ bản nhất, ByteDace cũng tung ra một mẫu đèn nâng cao trị giá 170 USD, đi kèm tính năng gửi cảnh báo và hình ảnh cho cha mẹ khi con họ ngủ gật. Phiên bản đèn này cũng ngay lập tức cháy hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc vào đầu tháng này.

photo-1-16226249177171735091303.jpg


Thành công của ByteDance với đèn thông minh được xem là một bất ngờ. Và nó cũng mang tới cái nhìn sâu sắc hơn về sự cởi mở của công chúng Trung Quốc đối với các công nghệ hứa hẹn sẽ phát triển trong một xã hội ngày càng có tính cạnh tranh.

Trong những năm gần đây, các trường học ở Trung Quốc đã thử nghiệm băng đô theo dõi hoạt động sóng não và mức độ tập trung của trẻ em, hay đồng phục học sinh có khả năng theo dõi vị trí, cũng như robot điểm danh, hệ thống giảng dạy và phân tích hành vi của học sinh.

Tuy nhiên, đèn bàn thông minh của ByteDance và dịch vụ dạy kèm từ xa "là lần đầu tiên chúng tôi thấy một thị trường đại chúng, một sản phẩm giám sát liên quan đến giáo dục được đưa vào từng nhà và phòng ngủ của trẻ em Trung Quốc", Ted Chen, một doanh nhân ở Bắc Kinh, cho biết.

ByteDance cũng cho biết đã có nhiều hiểu lầm của công chúng về chiếc đèn này. Ví dụ, hệ thống giám sát từ xa chỉ có thể được kích hoạt khi cả cha mẹ và trẻ em cho phép.

photo-1-16226249449381898561165.jpg


Vào tháng 3, gã khổng lồ internet Trung Quốc Tencent cho biết họ sẽ giới thiệu một chiếc đèn làm bài tập tương tự, được hỗ trợ bởi AI và cung cấp các tính năng tương tự như sản phẩm của ByteDance.

Cuộc "chạy đua vũ trang" trong ngành công nghệ giáo dục của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh những gã khổng lồ công nghệ của nước này đang tìm kiếm những lĩnh vực phát triển mới. Và họ đã tìm thấy cơ hội để bán sản phẩm và dịch vụ cho các bậc cha mẹ có điều kiện nhưng ngày càng lo lắng cho tương lai của con em mình.

Wu Tong, một bà mẹ ở thành phố Nam Kinh, người đã mua chiếc đèn cho cô con gái 3 tuổi của mình, cho biết các bậc cha mẹ Trung Quốc luôn cảm thấy áp lực xã hội rất lớn đối với việc học của con cái họ. Bây giờ khi đã giàu có hơn, họ cũng có nhiều khả năng chi tiêu cho con cái hơn.

Ni Ying, 36 tuổi, sống ở Thượng Hải, người đã mua phiên bản giá rẻ của chiếc đèn này vào tháng 3, đã trả thêm 350 USD để thuê 3 giáo viên nhằm theo dõi từ xa con gái cô làm bài tập về nhà mỗi buổi chiều trong hai giờ, trong suốt ba tháng.

"Nó học hiệu quả hơn. Con gái tôi hoàn thành bài tập của mình và nếu nó cần giúp đỡ, các giáo viên sẽ ở đó để hỗ trợ", bà Ni nói. Bà cũng cho biết điều đó thật thoải mái khi không còn phải liên tục theo dõi việc học tập của đứa con 10 tuổi của mình. "Tôi đã cảm thấy bớt kích động về bài tập về nhà của nó và chiếc đèn đã cải thiện mối quan hệ của chúng tôi".

Cô Wu, 30 tuổi, cho biết mình chưa bao giờ nghĩ đến việc bị giám sát khi mua đèn. Thay vào đó, cô nói rằng bản thân bị thu hút bởi lời hứa của nó về một thứ ánh sáng ấm áp không đổ bóng - thứ sẽ tốt cho đôi mắt của cô con gái yêu đọc sách của cô.

-16226247548171209124212.jpg


ByteDance cho biết chiếc đèn thông minh được thiết kế để các bậc cha mẹ bận rộn có thể theo dõi việc học của con cái họ.


Trên các mạng xã hội Trung Quốc, nơi thiết bị được quảng cáo như một món quà cứu trợ cho các bậc cha mẹ bận rộn, các bài đánh giá vô cùng tích cực. Sản phẩm được ủng hộ đến mức khó có thể phân biệt được đâu là người quảng cáo trả phí và khách hàng thực.

ByteDance sau đó cũng đã tung ra một cú hích tiếp thị lớn. Trong một quảng cáo của hãng, một nữ diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc đã vui vẻ theo dõi việc học của con trai mình khi đang đi quay phim ở xa. Một video tiếp thị khác mô tả một công nhân nhập cư Trung Quốc làm việc vất vả tại một công trường xây dựng ở xa gia đình. Trong quảng cáo, con gái của công nhân này sử dụng đèn giám sát để dạy cha mình các từ tiếng Anh về gia đình.

Công ty cho biết họ đã phát triển đèn thông minh của mình trong nhiều tháng, tham khảo ý kiến của khoảng 2.000 phụ huynh và trẻ em Trung Quốc.

Sunsun Lim, giáo sư tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore, cho biết: "Ở châu Á, các bậc cha mẹ ít bị ám ảnh về ý tưởng giám sát và họ thường coi sự giám sát với con cái là điều tốt."

Nhưng, một thách thức đối với ByteDance, Tencent và những công ty mới tham gia khác vào thị trường này là cần chú ý về mặt pháp lý khi chính quyền Bắc Kinh đang để mắt tới lĩnh vực giáo dục. Tại các thành phố giàu có nhất của Trung Quốc, chính quyền đã bắt đầu kiểm soát các chương trình ngoại khóa, lo ngại về cơ hội không bình đẳng cho các hộ gia đình ít có điều kiện kinh tế hơn. Vào cuối năm 2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khiển trách việc các trường học sử dụng ứng dụng của bên thứ ba để thu thập dữ liệu cá nhân của học sinh.

-1622624774065715505977.jpg


Phiên bản nâng cấp của đèn thông minh có thể gửi cảnh báo đến điện thoại của cha mẹ khi con họ ngủ gật.


Và công chúng Trung Quốc cũng đã có những dấu hiệu về nhận thức về quyền riêng tư ngày càng tăng.

Vào tháng 3, một số tính năng trên đèn của ByteDance đã gây ra một làn sóng phản đối trên mạng xã hội Trung Quốc. Một người dùng cho biết ứng dụng này cho phép trẻ em đăng video của chính mình lên mạng Internet. Một người dùng khác phàn nàn rằng chiếc đèn cung cấp hồ sơ người dùng và video của những đứa trẻ khác, thường là khác giới, làm bạn học trực tuyến cùng.

ByteDance cho biết vào thời điểm đó, mọi video tải lên đều cần có sự đồng ý của cha mẹ và sẽ bị giới hạn ở các video về bài tập về nhà. Công ty cũng nói rằng chiếc đèn không khuyến nghị người dùng khác cho trẻ em và camera của nó không có tính năng "giám sát thời gian thực".

Một số hãng truyền thông Trung Quốc và phụ huynh cũng chỉ trích ý tưởng đặt màn hình cảm ứng tương tác trước mặt trẻ em khi chúng học bài, cảnh báo rằng loại đèn này sẽ khiến trẻ em quen với việc tìm kiếm câu trả lời dễ dàng từ công nghệ.

Sun Chang, một công chức 41 tuổi ở Thượng Hải, đã nghe các bậc cha mẹ khác thảo luận về việc mua đèn ByteDance. Nhưng cô Sun, người có con trai đang học lớp 5, cho biết cô không thích ý tưởng xâm phạm quyền riêng tư của con trai mình hoặc khuyến khích con trai mình phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ.

"Trẻ em cũng có quyền riêng tư và đó không phải là thứ mà cha mẹ có thể tước đoạt," cô nói.

Tham khảo Bloomberg

Theo Genk
 

Top Bottom