Muốn người dân dùng hàng 'quốc nội', Nga xem xét phạt tiền người sử dụng dịch vụ Internet Starlink của SpaceX

Cơ quan lập pháp của Nga, Duma Quốc gia, đang xem xét tiền phạt đối với các cá nhân và công ty ở nước này sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh của phương Tây. Luật được đề xuất nhằm ngăn chặn việc truy cập Internet bằng dịch vụ Starlink của SpaceX, OneWeb hoặc hệ thống vệ tinh không gian khác không được phát triển bởi Nga.

Theo một báo cáo gần đây trên tạp chí Popular Mechanics, mức phạt được đề xuất dao động từ 10.000 đến 30.000 rúp (khoảng 135- 405 USD) đối với người dùng thông thường và từ 500.000 đến 1 triệu rúp (từ 6.750 USD đến 13.500 USD) đối với các pháp nhân sử dụng dịch vụ vệ tinh phương Tây.

50242057682968d536010k-800x533-1611132707423652586959.jpg


Một tên lửa Falcon 9 đưa vệ tinh thuộc hệ thống Starlink lên quỹ đạo vào ngày 18/8/2020.


Cũng trong bài báo bằng tiếng Nga này, các thành viên của Duma khẳng định rằng việc truy cập Internet một cách độc lập sẽ vượt rào khỏi hệ thống giám sát việc sử dụng Internet và truyền thông di động của chính quyền. Là một phần của sự kiểm soát chặt chẽ đối với các phương tiện truyền thông và thông tin liên lạc, tất cả lưu lượng truy cập Internet của Nga phải thông qua một nhà cung cấp truyền thông của chính phủ.

Trên thực tế, không quá ngạc nhiên khi Nga sẽ thực hiện các bước để chặn dịch vụ Starlink, bởi Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga, Dmitry Rogozin, luôn coi SpaceX là đối thủ chính trong lĩnh vực không gian.

Rogozin đã chỉ trích cả NASA và Bộ Quốc phòng Mỹ vì đã trợ cấp cho SpaceX thông qua các hợp đồng của chính phủ. Mặc dù đúng là SpaceX đã nhận được các hợp đồng phóng tên lửa từ chính phủ Mỹ trị giá vài tỷ USD, nhưng bởi rõ ràng hãng đã cung cấp dịch vụ phóng với mức giá thấp đáng kể so với các nhà cung cấp khác. Gần đây Rogozin cho biết Starlink còn là một kế hoạch cung cấp hệ thống liên lạc không bị gián đoạn cho các Lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ.

“Starlink là một phần trong chính sách công nghệ cao khá mang tính săn mồi, thông minh, mạnh mẽ của Hoa Kỳ, đã được nước này sử dụng tất cả sự nhiệt tình này để thúc đẩy, với mục tiêu trước hết là lợi ích quân sự", Rogozin cho biết hồi tháng 8 năm ngoái. Ông cũng gọi tuyên bố của SpaceX rằng Starlink được tạo ra để cung cấp dịch vụ Internet cho 4% bề mặt Trái đất không được bao phủ bởi Internet trên mặt đất là "vô nghĩa".

photo-1-16111327783441656352750.jpg


Dự án Starlink của Elon Musk đã và đang được triển khai hoàn thiện.


Trong khi đó, lệnh cấm đối với OneWeb thú vị hơn, vì công ty này đang sử dụng tên lửa Soyuz của Nga để phóng gần như tất cả các vệ tinh ban đầu lên quỹ đạo. Các vụ phóng vệ tinh OneWeb đã được lên kế hoạch hàng tháng trong năm nay, chủ yếu từ các sân bay vũ trụ ở Baikonur, Kazahkstan và Vostochny, thuộc Nga. OneWeb cũng chính là đối tác đã hỗ trợ đắc lực cho ngành công nghiệp phóng tên lửa của Nga, vốn đang gặp khó khăn trong bối cảnh SpaceX giành hết các hợp đồng phóng thương mại đối với quốc gia này.

Không chịu thua kém các đối thủ phương Tây, Nga đang lên kế hoạch cho hệ thống Internet vệ tinh của riêng mình, được gọi là "Sphere". Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về khả năng chi trả của dự án này, thứ có thể bắt đầu ra mắt vào năm 2024. Ngân sách của chương trình chưa được xác nhận, nhưng một số báo cáo cho rằng nó có thể lên tới 20 tỷ USD. Con số này vượt xa số tiền Nga chi cho lĩnh vực không gian dân dụng. Ngân sách hiện tại cho Roscosmos, tập đoàn vũ trụ của Nga do Rogozin lãnh đạo, nhận được chỉ vào khoảng 2,4 tỷ USD mỗi năm.

Tham khảo arstechnica

Theo Genk
 

Top Bottom