Trung Quốc có 2 thương hiệu lọt nhóm 10 nhãn hiệu giá trị nhất thế giới

Lần đầu tiên, đại gia thương mại điện tử Alibaba và nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc đã vào được nhóm 10 nhãn hiệu công nghệ có giá trị nhất thế giới, nơi những công ty như Google, Apple và Facebook hiện diện.

1.jpg

Theo báo South China Morning Post của Trung Quốc, đó là kết quả bảng xếp hạng những nhãn hiệu giá trị nhất thế giới, vừa được hãng tư vấn Brand Finance có trụ sở tại Luân Đôn (Anh) công bố. Trong đó, lần đầu tiên 2 công ty Trung Quốc đã nằm trong top 10 nhãn hiệu có giá nhất, Alibaba nằm ở số 8 và Huawei là số 10.

Trong danh sách 100 nhãn hiệu hàng đầu của Brand Finance, có 16 công ty Trung Quốc. "Những công ty Trung Quốc này có nhiều công ty cách đây vài năm hầu như không ai biết đến, và ngay cả hiện nay, một số công ty cũng không được biết đến nhiều ở ngoài thị trường Trung Quốc", Brand Finance cho biết.

Báo cáo cũng chỉ rõ những hãng này hiện đang "ăn nên làm ra và xây dựng nhãn hiệu nhanh chóng trên thế giới".

Hãng tư vấn đã ước tính giá trị các nhãn hiệu bằng cách tính "Royalty Relief", tức là ước tính doanh số trong tương lai mà nhãn hiệu đó có thể đạt được, và tính tỷ lệ trung thành của người dùng đối với nhãn hiệu đó.

Brand Finance tính toán sức mạnh nhãn hiệu trên thang điểm 0-100, dựa trên một số yếu tố như sự kết nối về mặt tình cảm của nhãn hiệu với người dùng, tình hình tài chính và mức độ bền vững, cùng nhiều yếu tố khác…

Theo đó, giá trị nhãn hiệu của Alibaba đạt gần gấp đôi, lên mức 34,8 tỷ USD trong khảo sát năm nay, so với mức 17,9 tỷ USD năm ngoái. Brand Finance cho biết Alibaba, hãng điều hành các cổng mua sắm trực tuyến lớn như Taobao Marketplace và Tmall.com, tiếp tục thắng lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Để tăng sự nhận diện thương hiệu trên toàn cầu, Brand Finance nói Alibaba đã tăng đầu tư vào marketing và truyền thông, trở thành nhà tài trợ lớn cho Thế vận hội Olympic Games.

Tháng trước, Ủy ban Olympic quốc tế và Alibaba đã cùng công bố mối hợp tác lâu dài đến năm 2028 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ.

Còn Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, có giá trị nhãn hiệu tăng 28% lên 25,2 tỷ USD năm nay, từ mức 19,7 tỷ USD năm ngoái. Ngoài vị trí thống lĩnh trên thị trường mạng lưới viễn thông, Huawei cũng là nhà cung cấp smartphone lớn thứ 3 thế giới với 9,5% thị phần, sau Samsung và Apple.

1627134.jpg

Bảng xếp hạng 10 nhãn hiệu giá trị nhất thế giới. Con số trong ngoặc là giá trị xếp hạng của năm ngoái

Công ty Tencent (Trung Quốc) đứng thứ 11. Sức mạnh và giá trị của Tencent chủ yếu đến từ thị trường PC và mobile game, với những tựa game như League of Legends, và từ các nhãn hiệu mà Tencent sở hữu như WeChat.

WeChat, có hơn 850 triệu người dùng, đứng thứ 19 trong danh sách này, chỉ sau đại gia thương mại điện tử JD.com.

Hãng dẫn đầu thị trường tìm kiếm Internet Trung Quốc là Baidu xếp thứ 22, tụt hạng so với thứ 13 hồi năm ngoái. NetEase, nhà cung cấp dịch vụ game video trên di động và PC, đứng thứ 33.

Hãng sản xuất máy tính Lenovo đứng thứ 68, sau đó là Xiaomi đứng thứ 75, Haier đứng thứ 76 và ZTE là thứ 80.

Ngoài các công ty trên, Trung Quốc còn có LeEco đứng thứ 81; Ctrip.com đứng thứ 91; hãng sản xuất hàng điện tử và gia dụng TCL đứng thứ 94; Gree Electric Applicances, hãng cung cấp máy điều hòa lớn nhất thế giới, đứng thứ 99.


Nguồn: Vnreview​
 

Top Bottom