Là diễn giả chính trong sự kiện MBA For Success do Viện ISB - ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam - có nhiều chia sẻ về quan điểm tuyển dụng nhân sự cũng như đào tạo nhân sự.
Vị lãnh đạo cao nhất của Shopee Việt Nam chia sự nghiệp của một người trẻ ra làm 4 giai đoạn, với 4 loại kỹ năng tương ứng với từng thời kỳ.
1. Với một bạn trẻ mới ra trường/mới vào công ty, kỹ năng quan trọng nhất là HỌC NHANH và HIỂU NHANH.
Việc học nhanh, hiểu nhanh không phải chỉ gói gọn trong chỉ số IQ. Ông Tuấn Anh cho biết với một môi trường năng động như Shopee , không có nhiều thứ có tài liệu cụ thể vì mọi thứ thay đổi rất nhanh. Điều này buộc người làm phải hiểu được logic "tại sao người ta lại làm việc đó".
Một người hiểu và tiếp cận được thông tin theo dạng như vậy sẽ rất có giá trị, và những bạn đó sẽ đi rất xa.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần "Lăn xả". Lăn xả ở đây, theo ông Tuấn Anh, ngoài sự chăm chỉ, cần có sự tò mò.
"Con người vốn rất tò mò, lúc nào cũng muốn hiểu tại sao như thế này, tại sao như thế kia, hay tìm những người để có thể hỏi tại sao như một đứa trẻ lên ba. Những bạn trẻ vẫn giữ được sự tò mò đó khi lớn lên, tôi nghĩ sẽ rất thành công. Tính tò mò sẽ giúp cho các bạn nhìn và hiểu vấn đề một cách rộng hơn. Người tò mò không phải kiểu người đợi người khác đến ra lệnh "Em nên làm thế này", mà phải nghĩ ra được chúng ta đang cần làm gì và tại sao chúng ta lại làm việc đó", ông Tuấn Anh nói.
Trong chặng đường đầu tiên của sự nghiệp, bạn phải có những kỹ năng nhất định cho công việc, và phải là chuyên gia trong lĩnh vực của mình.
2. Ở giai đoạn thứ 2, bạn phải trả lời được câu hỏi bạn có khả năng làm việc được với đồng nghiệp của mình hay không.
"Bài toán chúng tôi hay thử thách là: Bạn có làm việc được với một người bạn không ưa không? Bản chất làm việc với một người mình thích thì không có gì là khó, nhưng kết nối và làm việc được với một người mà cá nhân mình không cảm thấy hợp, mà lại làm việc được, thì đó mới là thử thách".
"Trong kinh doanh, nhiều khi không chọn được bạn đâu. Càng lên cao, các bạn càng cần khả năng kết nối và làm được việc với các nhân tố nội bộ, sau đó là các nhân tố bên ngoài", vị Giám đốc điều hành của trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam khuyên nhủ.
3. Ở cấp cao hơn, bạn cần có khả năng lãnh đạo người khác.
4. Cao hơn nữa, bạn cần khả năng kết nối hay tổng hợp.
Tức, khi nhìn bức tranh tổng thể, bạn có thấy sự liên kết của tất cả những thứ bạn làm hay không? Khi có một chiến lược được đưa ra, bạn có thấy được sự liên kết giữa các vấn đề của tài chính, kinh doanh, dính qua vấn đề của chăm sóc khách hàng... hay không?
"Đến tầm năng lực đó, một người có thể vận hành được một doanh nghiệp tương đối rộng. Tính liên kết này thường các tổng giám đốc của những công ty lớn đều phải có. Càng lên cao, kỹ năng đó càng quan trọng", ông Tuấn Anh nói.
Để đánh giá một nhân sự, vị sếp Shopee Việt Nam cho biết ông thường nhìn nhận nhân sự ở ngưỡng nào và nên có kỹ năng nào. Người mới bắt đầu phải thực sự là chuyên gia trong lĩnh vực mình đang tham gia, qua thời gian có làm việc được với những người khác hay không, qua thời gian bạn có lãnh đạo được người khác hay không, và cuối cùng là bạn có liên kết được tất cả việc bạn làm với nhau hay không.
"Riêng với Shopee, tôi đánh giá con người dựa vào thước đo toàn cầu chứ không phải thước đo ở Việt Nam. Một Senior Manager (SM - quản lý cấp cao - PV) tại Việt Nam phải được đo với những SM ở những nước khác chứ không phải so với SM trong Việt Nam".
"Bởi nếu chúng ta có tham vọng trở thành công ty toàn cầu thì không thể đo đạc với lối suy nghĩ đây chỉ là công ty Việt Nam. Không được!", Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Genk